Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Nguyên tắc vàng để bảo vệ tính mạng khi bị ngộ độc thực phẩm
Ngày cập nhật 11/04/2024

Ngộ độc thực phẩm là tình trạng xuất hiện sau khi ăn, uống phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn, nhiễm độc hoặc có chứa chất gây độc, thức ăn bị ôi thiu…

 

Người bị ngộ độc thực phẩm thường biểu hiện qua những triệu chứng lâm sàng như nôn mửa, tiêu chảy, chóng mặt, sốt, đau bụng... Ngộ độc thực phẩm nặng thì có thể dẫn tới tử vong, nhẹ cũng gây mệt mỏi cả về thể chất và tinh thần.

Dấu hiệu nhận biết

Nếu nguyên nhân do vi sinh vật (vi khuẩn, virus) hoặc độc tố từ vi sinh vật (độc tố vi khuẩn tiết ra), người bệnh thường chỉ biểu hiện bệnh ở đường tiêu hoá (như đau bụng, nôn, tiêu chảy), có thể kèm theo các biểu hiện của mất nước (như khát nước, khô môi), nhiễm trùng (thường là sốt, vã mồ hôi).

Nếu nguyên nhân do thực phẩm nhiễm hóa chất, không có chất độc tự nhiên, bệnh nhân có biểu hiện phức tạp, không chỉ ở đường tiêu hoá mà cả ở các cơ quan khác, ví dụ như hệ thần kinh (đau đầu, chóng mặt), tim mạch (nhịp tim nhanh, trụy mạch).

Nếu nguyên nhân do chính các loại thực phẩm này vốn đã có độc tố trong tự nhiên (như sắn, măng, cá nóc, cóc...), bệnh xuất hiện ngay sau khi ăn.

Ngộ độc thực phẩm sẽ rất nguy hiểm nếu bệnh nhân có các dấu hiệu nặng ở đường tiêu hoá hoặc bị mất nước, nhiễm trùng, hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng:

Rối loạn thần kinh: Đặc biệt là nhìn mờ, nhìn đôi, nói khó, giọng nói ngọng, tê liệt cơ, co giật, đau đầu, chóng mặt.

Rối loạn tim mạch: Tụt huyết áp, loạn nhịp tim, khó thở; Có lẫn máu hoặc chất nhầy trong phân, tiểu ít, đau ở các vị trí khác ngoài bụng (như đau ngực, cổ, hàm, họng).

Sức đề kháng của cơ thể kém: Nhất là ở các đối tượng trẻ em dưới 2 tuổi, người cao tuổi, người đang dùng các thuốc gây ức chế miễn dịch (thường dùng trong bệnh về khớp, ung thư, dị ứng), người bị suy dinh dưỡng, mắc bệnh dạ dày tá tràng, bệnh gan, rối loạn sắc tố.

Cách xử lý

Nếu ngộ độc thực phẩm xảy ra trong vòng trước 46 giờ, thức ăn vẫn còn trong dạ dày người bệnh. Nếu bệnh nhân còn tỉnh táo, cần kích thích cho bệnh nhân càng ói nhiều càng tốt để tống hết thức ăn ngộ độc ra ngoài và có thể kích thích bằng cách ngoáy nhẹ họng hay cho uống nước muối loãng.

Không nên gây nôn đối với người bị hôn mê hoặc trẻ nhỏ vì dễ bị hít sặc thức ăn và làm tắc đường thở. Trong trường hợp này, cần cho bệnh nhân nằm đầu thấp, nghiêng về một bên để tránh bị hít sặc.

Trường hợp nhẹ (chỉ nôn ói, tiêu chảy…) có thể điều trị tại nhà bằng cách bù nước bằng dung dịch điện giải (oresol), cho uống than hoạt tính từ 5-10g (nếu có) để hấp thụ chất độc.

Lúc này, người dân cần ngưng việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc, lưu ý không nên dùng thuốc cầm tiêu chảy vì làm chậm việc đào thải các độc tố ra khỏi cơ thể. Đặc biệt là trẻ nhỏ tuổi, nếu dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy hay xảy ra hội chứng lồng ruột hay liệt ruột rất nguy hiểm.

Nếu tình trạng bệnh nặng, phải chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay.

Cách phòng tránh

Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm cũng như các bệnh về đường tiêu hóa, người dân cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

- Chọn thực phẩm tươi, sạch, rõ nguồn gốc.

- Thực hiện ăn chín uống chín.

- Không để thức ăn sống lẫn với thức ăn đã được chế biến.

- Ăn ngay khi vừa nấu xong (trong 2 giờ đầu).

- Thức ăn đã nấu chín phải được bảo quản đúng cách, hợp vệ sinh.

- Đun chín kỹ mọi loại thức ăn trước khi sử dụng lại.

- Không sử dụng các thức ăn quá hạn, thức ăn ôi thiu.

- Rửa sạch tay trước khi chế biến thức ăn, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến.

- Người đang mắc các bệnh nhiễm trùng cấp tính không tham gia vào quá trình chế biến thực phẩm.

- Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra phát hiện người lành mang trùng./.

 

Phúc Khánh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 1.235