Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Một số quy định mới của Nghị định số 49/2024/NĐ-CP quy định về hoạt động thông tin cơ sở
Ngày cập nhật 27/09/2024

Nghị định số 49/2024/NĐ-CP ngày 10 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ quy định về hoạt động thông tin cơ sở (gọi tắt là Nghị định 49), gồm 4 chương, 43 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024. Nghị định này thay thế Quyết định số 52/2016/QĐ-TTg ngày 06/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động thông tin cơ sở (gọi tắt là Quyết định 52). Nghị định 49 đã thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại Chỉ thị số 07-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XII) về đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở trong tình hình mới, kế thừa một số quy định còn phù hợp của Quyết định 52. Đồng thời Nghị định 49 đã bổ sung một số quy định mới phù hợp thực tiễn hiện nay của hoạt động thông tin cơ sở (TTCS) và sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

 

1. Quy định về mở rộng không gian phát triển và tương tác với người dân trong hoạt động TTCS

Quyết định 52 chỉ quy định hoạt động TTCS là hoạt động cung cấp thông tin thiết yếu đến người dân theo chiều từ trên xuống là chủ yếu, thông qua 05 loại hình thông tin: đài truyền thanh cấp xã; bản tin TTCS; tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động TTCS; thông tin trực tiếp qua báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở; bảng tin công cộng.

Nghị định 49 quy định cụ thể thông tin cơ sở là thông tin thiết yếu được truyền tải trực tiếp đến người dân thông qua 08 loại hình thông tin: đài truyền thanh cấp xã; bảng tin công cộng; bản tin thông tin cơ sở; tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động TTCS; tuyên truyền trực tiếp qua tuyên truyền viên cơ sở; tuyên truyền trên cổng hoặc trang thông tin điện tử; tuyên truyền qua mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trên Internet; tuyên truyền qua tin nhắn viễn thông.

Hoạt động thông tin cơ sở có 03 nhiệm vụ chủ yếu:

Thứ nhất, cung cấp, phổ biến thông tin thiết yếu trực tiếp đến người dân thông qua 08 loại hình thông tin.

Thứ hai, tiếp nhận thông tin phản ánh và thông tin nội dung trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân thông qua hoạt động của đài truyền thanh cấp xã, cổng/trang thông tin điện tử, mạng xã hội, các ứng dụng nhắn tin trên Internet, tuyên truyền viên cơ sở.

Thứ ba, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

2. Quy định về chính sách phát triển thông tin cơ sở

Quy định chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động TTCS trong Nghị định 49 là nội dung mới so với Quyết định 52.

Thứ nhất, Nhà nước bảo đảm nguồn lực cần thiết cho hoạt động TTCS.

Thông tin cơ sở là hoạt động truyền thông của chính quyền, nên chính quyền các cấp phải bảo đảm các nguồn lực về cơ sở vật chất, kinh phí, nhân lực để xây dựng, phát triển hệ thống, tổ chức và duy trì hoạt động TTCS.

Thứ hai, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người tham gia hoạt động TTCS.

Đặc điểm của nhân lực hoạt động TTCS, nhất là ở xã, phường, thị trấn là hoạt động không chuyên trách, không được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ, làm việc không ổn định, thường xuyên thay đổi. Do đó, trách nhiệm của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp phải định kỳ tổ chức bồi dưỡng, tập huấn cho những người tham gia hoạt động TTCS về chuyên môn, nghiệp vụ tuyên truyền, kỹ năng sử dụng thiết bị kỹ thuật, công nghệ, kỹ năng chuyển đổi số trong hoạt động TTCS.

3. Quy định về hoạt động của đài truyền thanh và trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã

Thứ nhất, quy định đài truyền thanh cấp xã là phương tiện thông tin, tuyên truyền được thiết lập theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn để thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý.

Thứ hai, ngoài việc cung cấp, phổ biến thông tin thiết yếu đến người dân bằng tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số tại địa phương; đài truyền thanh cấp xã có nhiệm vụ thông tin nội dung trả lời của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền đối với thông tin phản ánh của người dân phù hợp với tính chất, yêu cầu của nội dung thông tin phát trên đài truyền thanh.

Thứ ba, căn cứ điều kiện thực tế, đài truyền thanh cấp xã tiếp sóng, phát lại chương trình thời sự và các chương trình khác của Đài Tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh và truyền hình cấp tỉnh để phục vụ nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân. Như vậy, việc tiếp sóng, phát lại các chương trình phát thanh của đài Trung ương, đài cấp tỉnh do chính quyền địa phương quyết định (quy định trong Quy chế hoạt động của đài truyền thanh), không phải là quy định bắt buộc.

Thứ tư, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm bố trí nhân sự vận hành hoạt động đài truyền thanh là công chức văn hóa - xã hội hoặc người hoạt động không chuyên trách cấp xã; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho nhân sự vận hành hoạt động của đài truyền thanh.

Thứ năm, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm bố trí cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật, công nghệ và các điều kiện cần thiết đáp ứng hoạt động của đài truyền thanh; kinh phí duy trì hoạt động thường xuyên của đài truyền thanh; chi trả nhuận bút, thù lao đối với sản phẩm truyền thông theo quy định về nhuận bút, thù lao do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ban hành.

4. Quy định về kết nối bảng tin điện tử cộng cộng

Nghị định 49 quy định bảng tin điện tử công cộng kết nối với hệ thống thông tin nguồn thông tin cơ sở cấp tỉnh theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động TTCS dựa trên ứng dụng CNTT đã quy định thiết lập bảng tin điện tử công cộng đặt tại các địa điểm thuận lợi cho người dân tiếp cận thông tin được kết nối với hệ thống thông tin nguồn để tiếp nhận nội dung thông tin tuyên truyền và quản lý, giám sát được hoạt động của bảng tin điện tử công cộng.

5. Quy định về xuất bản bản điện tử của bản tin thông tin cơ sở

Đây là quy định mới so với Quyết định 52 chỉ quy định xuất bản bản tin TTCS dạng bản in theo Luật Báo chí. Nghị định 49 quy định bản tin TTCS sau khi được cấp giấy phép xuất bản có thể xuất bản dạng bản điện tử đăng tải trên cổng hoặc trang thông tin điện tử và các phương tiện thông tin điện tử khác.

6. Quy định về các hình thức phát hành tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động TTCS

Nghị định 49 quy định cụ thể các hình thức xuất bản tài liệu không kinh doanh phục vụ hoạt động TTCS gồm: sách in, sách chữ nổi, tờ rời, tờ gấp, tranh, ảnh, áp phích, bản ghi âm, ghi hình có nội dung thay sách hoặc minh họa cho sách. Việc quy định cụ thể các hình thức phát hành tài liệu không kinh doanh trên phù hợp với đặc điểm của thông tin cơ sở là nội dung thông tin ngắn gọn, trực quan, dễ xem, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm theo và phục vụ nhu cầu tiếp cận thông tin của người khiếm thị.

Nghị định 49 quy định cụ thể tài liệu không kinh doanh phát hành dạng điện tử được đăng tải trên bảng tin điện tử công cộng, cổng hoặc trang thông tin điện tử, mạng xã hội, ứng dụng nhắn tin trên Internet và các phương tiện thông tin điện tử khác theo quy định của pháp luật về thông tin điện tử và pháp luật có liên quan.

Ngoài ra, Nghị định 49 còn quy định về đối tượng và thẩm quyền công nhận tuyên truyền viên cơ sở; quy định về sử dụng các nền tảng để tổ chức hoạt động TTCS; Quy định về tổ chức hội thi, liên hoan, giải thưởng về TTCS; Quy định về chế độ nhuận bút, thù lao đối với các sản phẩm truyền thông của cấp huyện, cấp xã; Quy định về hoạt động thông tin cơ sở của cấp huyện; Quy định về người làm thông tin cơ sở./.

 

Phúc Khánh (tổng hợp)
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 124