Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Học sinh phải chủ động khi học trên sóng truyền hình
Ngày cập nhật 18/03/2020

Ngày 16/3, học sinh khối 12 trên toàn tỉnh sẽ bắt đầu học các môn học chuẩn bị cho kỳ thi THPT Quốc gia sắp đến trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Thừa Thiên Huế.

Theo đó, học sinh lớp 12 ôn luyện 9 môn thi THPT Quốc gia, gồm: toán, lý, hóa, sinh, văn, sử, địa, tiếng Anh và giáo dục công dân.

Buổi sáng, các em sẽ học từ 8h-10h; buổi chiều từ 14h đến 16h. Mỗi tiết học kéo dài 30 phút, mỗi buổi có 3 tiết, từ thứ 2 đến thứ 6. Bài dạy các bộ môn sau phát sóng sẽ được lưu trữ thành kho dữ liệu nguồn học tập trên TRT Tube, Cổng Thông tin điện tử Sở Giáo dục và Đào tạo để cán bộ, giáo viên, học sinh, phụ huynh quan tâm truy cập.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Dạy học qua truyền hình được xem là giải pháp mới nhất trong mùa dịch nhằm duy trì nề nếp, giữ thói quen học tập, đồng thời giúp học sinh củng cố kiến thức tại nhà. Đội ngũ giảng dạy là những thầy, cô giáo vững chuyên môn, có nhiều kinh nghiệm trong việc luyện thi nên phụ huynh và học sinh hoàn toàn yên tâm.

Các bài giảng trên truyền hình là bài tiếp nối trong chương trình lớp 12 năm học 2019-2020 được thiết kế đảm bảo kiến thức trong khung chương trình, không nâng cao để đáp ứng đủ trình độ cho học sinh từ thành phố đến nông thôn.

 

Cũng theo ông Tân, chương trình học trên truyền hình mang tính bắt buộc khi 100% học sinh ở hai khối trên phải tham gia. Khi các em đi học trở lại, các trường sẽ dạy tiếp chương trình mới. Hiệu quả của việc dạy và học phụ thuộc vào tinh thần tự giác của chính học sinh. Quan trọng nhất là, các em phải có sự chủ động, đòi hỏi tính tự giác và có thái độ học tập nghiêm túc mới đem lại hiệu quả.

Một trong những khó khăn khi dạy trên truyền hình là giáo viên không thể kiểm tra được mức độ tiếp thu của học sinh đối với bài giảng để điều chỉnh nội dung hay cách thức truyền đạt. Mỗi khi không có sự tương tác như học trên lớp, học sinh có học lực trung bình, yếu sẽ dễ nản, bỏ cuộc.

Cô Hoàng Thị Lệ (Trường THPT chuyên Quốc Học), người được phân công dạy trên truyền hình, chia sẻ: Học trên truyền hình không thể chi tiết và cụ thể như ở trên lớp được. Vì thời lượng phát sóng 30 phút/tiết học và chương trình bài giảng cũng được gói gọn nên tất cả sẽ là những gợi ý, cốt lõi của bài học. Trên nền kiến thức đó, để các em hiểu được những cái cơ bản nhất, sau đó, phải tự tìm hiểu, tự đọc, tự hoàn thiện bài tập, tự trao đổi với giáo viên ở lớp để chủ động xây dựng hệ thống kiến thức cho mình.

Ông Nguyễn Hối, Hiệu trưởng Trường THPT Đặng Huy Trứ, cho biết: Dù sao, việc học trên truyền hình vẫn khó kiểm soát được mức độ tiếp nhận của học sinh, thế nên, giáo viên sẽ hỗ trợ bằng cách giao bài tập tương ứng, sửa bài cho học sinh qua hình thức online sau đó. Ngay sau khi đi học trở lại, giáo viên sẽ hệ thống lại kiến thức mà các em đã học trên truyền hình và sẽ tổ chức cho các em kiểm tra các môn học để lấy điểm, hoàn thành chương trình đúng tiến độ.

Theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, dạy học trên truyền hình bắt buộc đội ngũ giáo viên ở các trường phải nhập cuộc. Các bài giảng trên truyền hình là những kiến thức mới nên các trường phải theo dõi để giải đáp, mở rộng kiến thức cho các em thông qua các nhóm hoạt động của lớp, trường trên các trang mạng xã hội. Sở sẽ mở hộp thư điện tử để các em có thể gửi câu hỏi về để tổng hợp, chuyển đến các trường hoặc giải đáp trên truyền hình.

Hình thức nào cũng có ưu và nhược điểm, nhưng đây là nỗ lực của ngành giáo dục. Để dạy và học trên truyền hình thực sự phát huy hiệu quả, không chỉ cần có sự nỗ lực của đội ngũ giáo viên và những người sản xuất chương trình, mà rất cần sự đồng lòng, học tập với thái độ nghiêm túc của học sinh. Lúc này, cần sự đồng hành của phụ huynh khi không phải học sinh nào cũng chủ động việc học.

https://thuathienhue.gov.vn
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 13