Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

NHỮNG ĐIỂM MỚI CỦA LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH NĂM 2022
Ngày cập nhật 20/06/2023

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 gồm 6 chương, 56 điều, quy định về phòng ngừa, ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ, xử lý vi phạm trong phòng, chống bạo lực gia đình; điều kiện bảo đảm phòng, chống bạo lực gia đình; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023.

 

Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đáp ứng yêu cầu phát sinh trong thực tiễn và khắc phục những bất cập trong các quy định của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007. Luật đã bám sát phương pháp tiếp cận quyền con người, bảo đảm quyền con người, đặc biệt là đối tượng đặc thù như phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, ưu tiên nguyện vọng chính đáng, sự an toàn là trên hết của người bị bạo lực gia đình, đồng thời tôn trọng các quyền của công dân khi xử lý các hành vi vi phạm về bạo lực gia đình. Các yếu tố về văn hóa, gia đình, đặc điểm tâm lý của các nhóm đối tượng và đặc thù vùng miền, dân tộc cũng đã được quan tâm, xem xét khi thiết kế các quy định để bảo đảm tính hiệu quả, nghiêm minh, góp phần gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của gia đình, dân tộc, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2022 có một số điểm mới cụ thể sau:

1. Bổ sung thêm nhiều định nghĩa

Một trong những điểm mới của Luật Phòng chống bạo lực gia đình là đã bổ sung Điều 2 giải thích từ ngữ được sử dụng trong Luật này. Cụ thể gồm định nghĩa của cấm tiếp xúc; nơi tạm lánh; giáo dục hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình.

Luật Phòng chống bạo lực gia đình hiện hành không có Điều, khoản giải thích từ ngữ được sử dụng trong Luật mà chỉ nêu định nghĩa về bạo lực gia đình tại khoản 2 Điều 1 về phạm vi điều chỉnh.

Riêng định nghĩa bạo lực gia đình thì Luật năm 2022 đã bổ sung thêm hậu quả “có khả năng gây tổn hại về tình dục” là biểu hiện của hành vi bạo lực gia đình. Cụ thể: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, tình dục, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

Trong khi đó, khoản 2 Điều 1 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2007 chỉ định nghĩa: Bạo lực gia đình là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình.

2. Có 16 hành vi bạo lực gia đình từ 01/7/2023

Hiện nay, Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình đang có hiệu lực quy định, có 09 hành vi bị xem là bạo lực gia đình gồm:

Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình

1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:

a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;

b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;

c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;

đ) Cưỡng ép quan hệ tình dục;

e) Cưỡng ép tảo hôn; cưỡng ép kết hôn, ly hôn hoặc cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ;

g) Chiếm đoạt, huỷ hoại, đập phá hoặc có hành vi khác cố ý làm hư hỏng tài sản riêng của thành viên khác trong gia đình hoặc tài sản chung của các thành viên gia đình;

h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;

i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở.

Từ 01/7/2023 - thời điểm Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2022 có hiệu lực, Luật mới đã nâng các hành vi bị coi là bạo lực gia đình lên 16 hành vi và sửa đổi một số hành vi, cụ thể gồm:

- Bổ sung mới:

+ Cưỡng ép chứng kiến bạo lực với người, vật nhằm gây áp lực thường xuyên về tâm lý.

+ Bỏ mặc, không quan tâm; không nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ em, phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc (là thành viên gia đình); không giáo dục thành viên gia đình là trẻ em.

+ Kỳ thị, phân biệt đối xử về giới, giới tính, hình thể, năng lực của thành viên gia đình;

+ Tiết lộ/phát tán thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

+ Cưỡng ép trình diễn khiêu dâm; cưỡng ép nghe âm thanh, xem hình ảnh, đọc nội dung khiêu dâm, kích thích bạo lực.

+ Cưỡng ép mang thai, lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai;

+ Cô lập, giam cầm thành viên gia đình;

+ Cưỡng ép thành viên gia đình học tập.

- Sửa đổi: Cưỡng ép thực hiện hành vi quan hệ tình dục trái ý muốn của vợ hoặc chồng trong khi trước chỉ quy định “Cưỡng ép quan hệ tình dục”.

Như vậy, so với quy định hiện hành chỉ có 09 hành vi bạo lực gia đình, Luật mới đã tăng lên 16 hành vi trong đó có nhiều hành vi mà trước nay nhiều người chưa nghĩ tới đó là bạo lực gia đình và không lường trước được hậu quả có thể xảy ra.

3. Mở rộng đối tượng bạo lực gia đình ngoài hôn nhân

Nhiều người nghĩ rằng, bạo lực gia đình chỉ áp dụng với các thành viên gia đình hiện tại của nhau hoặc giữa những người đang có quan hệ hôn nhân và gia đình mà không áp dụng với những người đã ly hôn, chung sống với nhau như vợ chồng, người đã từng là cha mẹ nuôi, con nuôi…

Tuy nhiên, đây là mối quan hệ khá đặc thù, dễ có tiếp xúc trong cuộc sống, thậm chí còn là các mối quan hệ thường xuyên nảy sinh xung đột, bạo lực.

Và thực tế cho thấy, hiện nay có rất nhiều vụ bạo lực liên quan đến các thành viên gia đình của người đã ly hôn, người sống chung với nhau như vợ chồng; thậm chí là giữa thành viên của người đã ly hôn hoặc sống chung với nhau như vợ chồng.

Do đó, khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống bạo lực gia đình đã bổ sung thêm một số đối tượng cũng áp dụng các hành vi bị coi là bạo lực gia đình gồm: Hành vi quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện giữa người đã ly hôn; người chung sống như vợ chồng; người là cha, mẹ, con riêng, anh, chị, em của người đã ly hôn, của người chung sống như vợ chồng; người đã từng có quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi với nhau cũng được xác định là hành vi bạo lực gia đình theo quy định của Chính phủ.

Hiện nay, quy định này chỉ áp dụng với thành viên gia đình của vợ, chồng đã ly hôn hoặc nam, nữ không đăng ký kết hôn mà chung sống với nhau như vợ chồng.

4. Đặt người bị bạo lực gia đình là trung tâm phòng, chống bạo lực gia đình

Đây là nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình được đặc biệt nhấn mạnh tại khoản 1 Điều 4 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022:

Điều 4. Nguyên tắc phòng, chống bạo lực gia đình

1. Phòng ngừa là chính, lấy người bị bạo lực gia đình là trung tâm.

Người bị bạo lực gia đình là đối tượng chịu nhiều hậu quả trực tiếp cả về thể chất và tâm lý, là đối tượng cần được bảo vệ đặc biệt khi họ là những người yếu thế trong xã hội như phụ nữ và trẻ em.

Do đó, khi ban hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, người bị bạo lực gia đình phải là trung tâm của các biện pháp phòng chống bạo lực. Đồng thời, không chỉ trẻ em, người cao tuổi, người tàn tật và phụ nữ là các đối tượng được ưu tiên bảo vệ mà luật mới còn bổ sung thêm một số đối tượng nữa:

2. Tôn trọng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có liên quan; bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em; ưu tiên bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị bạo lực gia đình là phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc; thực hiện bình đẳng giới.

Như vậy, hiện nay, cả trẻ em, phụ nữ, người khuyết tật, người cao tuổi đều là đối tượng được ưu tiên bảo vệ quyền lợi khi gặp phải hành vi bạo lực gia đình.

Từ 01/7/2023, Luật mới nhấn mạnh “bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em và bổ sung, quy định rõ thêm các đối tượng ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích gồm phụ nữ mang thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi (không chỉ là phụ nữ chung chung như hiện nay), người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc…

5. Tháng 6 là tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình

Khi đề cập đến điểm mới của Luật Phòng chống bạo lực gia đình không thể không nói đến nội dung này. Quy định này mới được bổ sung tại Điều 7 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022. Theo đó, tháng 6 hàng năm được chọn để tổ chức các hoạt động nhằm thúc đẩy việc phòng, chống bạo lực gia đình và tôn vinh giá trị gia đình.

Các hoạt động để tổ chức Tháng hành động quốc gia phòng, chống bạo lực gia đình sẽ do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn.

6. Bổ sung nhiều quyền của người bị bạo lực gia đình

Hiện nay, Điều 5 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007 chỉ quy định 05 quyền của nạn nhân bạo lực gia đình:

1. Nạn nhân bạo lực gia đình có các quyền sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình;

b) Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm tiếp xúc theo quy định của Luật này;

c) Được cung cấp dịch vụ y tế, tư vấn tâm lý, pháp luật;

d) Được bố trí nơi tạm lánh, được giữ bí mật về nơi tạm lánh và thông tin khác theo quy định của Luật này;

đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, từ 01/7/2023, Điều 9 Luật năm 2022 có sửa đổi như sau:

- Quy định cụ thể các thông tin được giữ bí mật: Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình.

- Bổ sung quyền được cung cấp các kỹ năng để ứng phó với bạo lực gia đình và quyền được trợ giúp xã hội.

- Bổ sung quyền:

+ Được yêu cầu người bạo lực gia đình bồi thường thiệt hại về sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và khắc phục hậu quả;

+ Được thông tin về quyền, nghĩa vụ về quá trình giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình cũng như việc xử lý hành vi bạo lực gia đình.

+ Khiếu nại, khởi kiện, tố cáo hành vi vi phạm phòng, chống bạo lực gia đình.

7. 6 địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình

Hiện nay, Điều 18 quy định, khi phát hện bạo lực gia đình, cá nhân, tổ chức báo tin cho các cơ quan sau đây trừ trường hợp người phát hiện là nhân viên y tế hoặc nhân viên tư vấn phát hiện bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm thì báo cho người đứng đầu để báo công an gần nhất:

- Cơ quan công an gần nhất

- Uỷ ban nhân dân (UBND) cấp xã.

- Người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực.

Từ 01/7/2023, Điều 19 Luật mới quy định cụ thể các địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về bạo lực gia đình gồm:

- UBND cấp xã nơi bạo lực gia đình xảy ra.

- Công an, Đồn Biên phòng gần nhất với nơi xảy ra bạo lực gia đình.

- Các trường học có người bị bạo lực gia đình học tập.

- Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư nơi xảy ra bạo lực gia đình.

- Người đứng đầu tổ chức chính trị, xã hội cấp xã nơi xảy ra bạo lực gia đình.

- Tổng đài phòng, chống bạo lực gia đình quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay chưa có tổng đài này mà Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đang thí điểm đường dây nóng 1800.1768 để hỗ trợ miễn phí phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực.

Ngoài ra, khi trẻ em bị bạo hành, xâm hại thì cá nhân, tổ chức có thể gọi đến tổng đài quốc gia 111 để bảo vệ các quyền lợi của trẻ em.

Đồng thời, Luật mới cũng quy định việc báo tin, tố giác bạo lực gia đình có thể thực hiện theo các hình thức: Gọi điện, nhắn tin, gửi đơn hoặc thư hoặc trực tiếp.

8. Người bạo lực gia đình phải lao động công ích

Từ 01/7/2023, theo điểm i khoản 1 Điều 22 Luật năm 2022, thực hiện công việc phục vụ cộng đồng là một trong những biện pháp để ngăn chặn bạo lực gia đình, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay, Luật 2007 không đưa ra biện pháp này. Theo đó, đây là việc có quy mô nhỏ, trực tiếp phục vụ lợi ích của cộng đồng gồm:

- Trồng, chăm sóc cây xanh ở nơi công cộng;

- Sửa chữa, làm sạch đường làng, ngõ xóm, nhà văn hoá…

- Thực hiện các công việc cải thiện môi trường sống, cảnh quan của cộng đồng.

Do đó, người có hành vi bạo lực gia đình có thể phải tham gia phục vụ công ích theo danh mục công việc do Chủ tịch UBND cấp xã công nhận và quyết định, tổ chức.

9. 2 trường hợp công an xã yêu cầu người bạo lực gia đình đến trụ sở làm việc

Nội dung này là nội dung mới được quy định tại Điều 24 Luật năm 2022. Theo đó, sau khi được phân công giải quyết vụ việc bạo lực gia đình, Trưởng Công an xã có quyền yêu cầu người bạo lực đến trụ sở để làm rõ thêm các thông tin, giải quyết trong trường hợp:

- Trẻ em, phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc bản thân minh là người bị bạo lực gia đình.

- Có căn cứ cho rằng việc bạo lực gia đình đã/có thể tiếp tục gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng của nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Việc yêu cầu đến trụ sở làm việc phải được lập biên bản và có người trong cộng đồng dân cư chứng kiến.

10. Trình tự giải quyết tin báo, tố giác bạo lực gia đình

Việc xử lý tin báo, tố giác về bạo lực gia đình được quy định cụ thể tại Điều 20 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2022:

Bước 1: Cá nhân tổ chức báo tin, tố giác bạo lực gia đình tại một trong 06 địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác nêu trên.

Bước 2: Sau khi nhận được tin báo, tố giác thì công an, Đồn Biên phòng nơi xảy ra hành vi bạo lực thực hiện:

- Kịp thời ngăn chặn, xử lý trong phạm vi quyền hạn của mình.

- Thông báo cho Chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực

Bước 3: Chủ tịch UBND cấp xã xử lý/phân công xử lý ngay khi tiếp nhận tin báo, tố gics về bạo lực gia đình hoặc báo cáo bạo lực gia đình trừ trường hợp có dấu hiệu hình sự.

Riêng người bị bạo lực là trẻ em, phụ nữ mang thai/đang nôi con dưới 36 tháng tuổi, người cao tuổi, người khuyết tật, người không có khả năng tự chăm sóc hoặc đã/có khả năng gây nguy hiểm đến sức khoẻ, tính mạng người bị bạo lực thì Chủ tịch UBND cấp xã phân công Công an xã xử lý ngay./.

 

Phúc Khánh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 1.105