Thời gian vừa qua, tình trạng học sinh bị đuối nước liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đuối nước đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng được dư luận quan tâm. Nhất là vào dịp hè, các bạn học sinh được nghỉ học.
Trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong cho trẻ nhiều nhất hiện nay có thể kể đến là tai nạn đuối nước. Tai nạn đuối nước thực sự là một vấn đề gây nhiều bức xúc trong cộng đồng, nó gây ảnh hưởng đến tâm lý của mỗi gia đình và nghiêm trọng hơn là đến sự sống còn và phát triển của trẻ em.
Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đuối nước là một trong nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em.
Theo số liệu thống kê cho thấy, hơn 77% trẻ bị đuối nước ngay tại cộng đồng. Trong đó, có tới 22% trẻ bị đuối nước ngay trong môi trường cạnh nhà, thậm chí các em bị đuối nước ngay trong nhà tắm do sự bất cẩn của bố mẹ, ông bà.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước, nhưng phần lớn chủ yếu vẫn là do sự lơ là, chủ quan của các bậc cha mẹ, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc. Bên cạnh đó, với điều kiện tự nhiên nhiều sông, suối, ao, hồ… là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ. Ngoài ra, môi trường sống chung quanh cũng luôn luôn có những yếu tố nguy cơ rình rập gây nên tai nạn đuối nước cho trẻ em như chậu nước, chum vại, bể nước, giếng nước... không có nắp đậy an toàn cũng là nguyên nhân gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Chỉ một vài giây lơi lỏng của người lớn là trẻ em có thể rơi xuống ao, hồ, sông, suối, giếng nước… có thể bị ngạt và chết đuối chỉ sau 2 phút rơi xuống nước. Đây cũng chính là mối hiểm họa tiềm tàng gây tai nạn đuối nước ở trẻ em.
Ngoài những nguyên nhân trên thì tình trạng trẻ không biết bơi, thiếu các kỹ năng, kiến thức về sự an toàn khi đi tắm ở biển, sông, suối, ao, hồ cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ. Ngoài ra, phải kể đến một thực trạng: đó là khi các em cứu lẫn nhau, thì do chưa có kiến thức trong việc cấp cứu, sơ cứu người bị chết đuối, dẫn đến tình trạng số lượng trẻ bị chết đuối tăng lên.
Nguồn ảnh: Internet
Để phòng tránh và hạn chế tai nạn đuối nước cho trẻ em, mọi người cần chú trọng thực hiện các biện pháp sau:
- Làm rào chắn quanh ao, hố nước, rãnh nước, mương nước gần nhà nơi trẻ dễ tiếp cận và có nguy cơ bị đuối nước.
- Chỉ đưa trẻ đi bơi ở những nơi an toàn và có người lớn biết bơi giám sát. Luôn ở cạnh trẻ trong phạm vi 5 m, đảm bảo bạn luôn nhìn thấy, nghe thấy trẻ. Giám sát kỹ trẻ khi đến khu vực có nước và không để trẻ dưới 6 tuổi ở một mình trong bồn tắm. Tuyệt đối không để trẻ duới 10 tuổi trông trẻ bé hơn.
- Đối với các gia đình có trẻ nhỏ tốt nhất không nên để lu nước, thùng nước, nếu bắt buộc phải có lu nước, thùng nước thì nên đậy nắp thật chặt để trẻ em không mở nắp được.
- Thường xuyên nhắc nhở trẻ không được rủ nhau đi tắm, bơi ngoài sông, hói, ao hồ mà không có người lớn biết bơi đi kèm. Không chơi, đùa nghịch quanh ao, hồ nước, hố sâu, để tránh bị trược ngã xuống nước.
- Khi cho trẻ đi tắm biển hay tắm sông nên cho trẻ mặc áo phao và phải có cha mẹ, người lớn trông coi. Chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục, nhiều người thường nằm trên phao khi tắm biển, điều này cũng khá nguy hiểm vì sẽ dễ bị cuốn ra xa và nhiều khả năng sẽ bị sóng đánh úp.
- Nên cho trẻ tập bơi sớm (trên 4 tuổi).
- Khi phát hiện thấy người bị rơi ngã xuống nước, cần hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân. Đồng thời nhanh chóng tìm cách để cứu nạn nhân như: đưa cánh tay, cây sào dài cho nạn nhân nắm, ném phao có buộc dây thừng... và kéo nạn nhân lên bờ một cách an toàn. Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối vì bản thân mình cũng có thể bị đuối nước.
Nguồn ảnh: Internet
- Sau khi đưa được nạn nhân lên bờ cần đặt nạn nhân nằm chỗ thoáng khí. Nếu nạn nhân bất tỉnh, kiểm tra xem còn thở không bằng cách quan sát chuyển động của lồng ngực. Nếu lồng ngực không chuyển động tức là nạn nhân ngưng thở, hãy thổi ngạt miệng qua miệng. Sau đó kiểm tra mạch cổ, mạch bẹn xem có đập không; nếu không bắt được mạch tức là nạn nhân đã ngưng tim, phải ấn tim ngoài lồng ngực ở nửa dưới xương ức. Phối hợp ấn tim và thổi ngạt liên tục trên đường chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế. Nếu nạn nhân còn thở được, hãy đặt nạn nhân nằm nghiêng một bên để chất nôn dễ thoát ra. Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm bằng cách đắp lên người nạn nhân tấm khăn khô. Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế ngay cả khi nạn nhân có vẻ bình thường hoặc đã hồi phục hoàn toàn sau sơ cứu vì nguy cơ khó thở thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi ngạt nước…
Để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra và hạn chế tử vong do đuối nước đến mức thấp nhất, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các ngành chức năng, các tổ chức xã hội, đoàn thể, gia đình và nhà trường xây dựng một môi trường an toàn cho trẻ; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi người trong cộng đồng. Đặc biệt, đối với các bậc phụ huynh, phải hết sức nâng cao ý thức quản lý, không để các em tự do tắm sông, biển mà không có người lớn đi cùng. Mỗi gia đình cần phối hợp với nhà trường để quản lý chặt chẽ con em mình, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh trốn học hoặc lợi dụng giờ nghỉ, ngày nghỉ để đi tắm sông, biển hay tìm đến những địa điểm vui chơi không an toàn. Ngoài ra, trong thời gian nghỉ hè các các gia đình nên cho con em đi học bơi để trang bị thêm một số kĩ năng và sự hiểu biết về tai nạn đuối nước.
Bảo vệ và chăm sóc trẻ em không chỉ là trách nhiệm, mà còn thể hiện tình cảm của người lớn dành cho trẻ em. Mỗi gia đình, cá nhân hãy cùng chăm lo, bảo vệ trẻ em, góp phần phòng tránh tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước cho trẻ em./.