Bệnh lao là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ 2 trong số các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 1,6 triệu người trên thế giới tử vong do căn bệnh này mỗi năm.
Trong năm 2023, Chương trình Chống lao quốc gia đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022. Phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%.
Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh lao và bệnh lao kháng đa thuốc đứng thứ 11 trong 30 nước có số người mắc bệnh và gánh nặng bệnh lao cao nhất trên toàn cầu.
Năm 2023, Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm Việt Nam có thêm 172.000 người mới mắc lao và khoảng 13.000 người tử vong do lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông.
Mỗi năm, nước ta có khoảng 9.200 ca bệnh nhân lao đa kháng thuốc mới mắc, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị.
Đặc biệt, đến nay vẫn có gần 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị hoặc chưa báo cáo, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh. Gần 30% người dân Việt Nam có tiếp xúc với vi khuẩn lao.
Hiện 64% bệnh nhân lao thường và 98% bệnh nhân lao kháng thuốc phải chịu gánh nặng chi phí thảm họa, tức là phải tiêu tốn >20% thu nhập của cả hộ gia đình trong một năm do mắc lao. 70% người mắc lao ở trong độ tuổi lao động, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế chung.
Bệnh lao có thể chữa khỏi khi điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, nhiều người nghĩ bệnh lao không chữa khỏi nên không điều trị dứt điểm, bỏ dở điều trị, điều trị thuốc không đúng quy định, uống thuốc không đúng liều…dẫn tới lao kháng thuốc. Lao kháng thuốc và lao siêu kháng thuốc là tình trạng nguy hiểm với cộng đồng bởi việc điều trị sẽ cực kỳ khó khăn và tốn kém.
Bệnh lao có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu phát hiện sớm và tuân thủ điều trị. Như vậy, việc phát hiện bệnh sớm là vô cùng quan trọng và có tính quyết định với tỷ lệ chữa khỏi khoảng 52% trên thế giới và 75% ở Việt Nam. Đặc biệt, bệnh lao được bảo hiểm y tế chi trả, nên người bệnh có thể yên tâm điều trị.
Chương trình Chống lao Quốc gia khuyến cáo, khi thấy các triệu chứng: Ho kéo dài, sốt, gầy sút cân thì cần đi khám ngay để các bác sĩ chẩn đoán và điều trị. Nếu có khó khăn về kinh tế sẽ có Quỹ hỗ trợ Người bệnh chiến thắng bệnh lao giúp đỡ các bệnh nhân.
Để phòng, chống bệnh lao, tiến tới thanh toán bệnh lao tại Việt Nam, người bệnh phải tuân thủ điều trị lao theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc để đạt hiệu quả điều trị. Để tránh lây nhiễm lao cho người xung quanh, người bệnh cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi ho, hắt hơi, khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay xà phòng thường xuyên; đảm bảo vệ sinh môi trường nơi ở của người bệnh (thông khí tự nhiên cửa ra vào, cửa sổ...) có ánh nắng; thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn màn.
Để giảm nguy cơ chuyển từ nhiễm lao sang bệnh lao, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, người có nguy cơ cần tiêm vắc-xin phòng ngừa bệnh lao BCG (bacille calmette - Guerin) nhằm giúp cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao khi bị nhiễm lao./.