Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

CHỦ ĐỘNG PHÒNG CHỐNG BỆNH SỞI, RUBELLA
Ngày cập nhật 12/04/2024

Theo Bộ Y tế, gần đây nước ta ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi sởi, rubella tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Sởi và rubella là những bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, có khả năng lây lan nhanh và gây dịch, đặc biệt là tại những môi trường đông người như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi, khu vực đông dân cư, v.v. Bất cứ ai chưa bị mắc bệnh hoặc chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, rubella đầy đủ đều có thể bị mắc sởi, rubella.

 

Bệnh sởi là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em do các biến chứng viêm phổi, viêm não, tiêu chảy nặng và suy dinh dưỡng. Bệnh rubella phần lớn có biểu hiện nhẹ, tuy nhiên khi phụ nữ mang thai nhiễm rubella, đặc biệt là trong 3 tháng đầu có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu, sinh non hoặc bị hội chứng rubella bẩm sinh khiến trẻ gặp nhiều vấn đề như sinh nhẹ cân, đục thủy tinh thể, điếc, chậm phát triển, dị tật tim, tật đầu nhỏ, thiểu năng trí tuệ,v.v.

Bệnh sởi và rubella chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng đã có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng bệnh sởi, bệnh rubella, ngành Y tế khuyến cáo người dân:

1. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh. Vắc xin sởi, rubella được tiêm chủng miễn phí để phòng bệnh cho trẻ trong chương trình tiêm chủng mở rộng tại Trạm y tế. Lịch tiêm chủng: tiêm vắc xin sởi lúc trẻ 9 tháng tuổi, tiêm vắc xin sởi - rubella khi đủ 18 tháng tuổi. Trẻ lớn và người lớn chưa có miễn dịch cần chủ động đi tiêm vắc xin phòng bệnh tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, trên thị trường hiện có vắc xin phối hợp phòng bệnh sởi – quai bị - rubella.

2. Không đến gần, tiếp xúc với người nghi mắc bệnh.

3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng. Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng hàng ngày. Đảm bảo nhà ở và nhà vệ sinh thông thoáng, sạch sẽ. Tăng cường dinh dưỡng.

4. Nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường.

5. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm cách ly và đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời phòng các biến chứng và diễn biến nặng của bệnh./.

Phúc Khánh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  

Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 263