Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Làm gì để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng
Ngày cập nhật 01/06/2023

Bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã và đang là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm, nhất là khi trong thực tế đã xảy ra nhiều vụ xâm hại, án mạng liên quan đến trẻ em có nguyên nhân bắt nguồn từ mạng xã hội. Làm gì để giúp trẻ khai thác tốt sự hữu ích của internet nhằm phục vụ học tập, rèn luyện đồng thời trang bị cho trẻ kỹ năng miễn nhiễm với những thông tin xấu, độc là việc không dễ và cần sự nỗ lực từ nhiều phía. 

Theo quy định tại Điều 29 Luật An ninh mạng 2018 quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng như sau:

1. Trẻ em có quyền được bảo vệ, tiếp cận thông tin, tham gia hoạt động xã hội, vui chơi, giải trí, giữ bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và các quyền khác khi tham gia trên không gian mạng.

2. Chủ quản hệ thống thông tin, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet, các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng có trách nhiệm kiểm soát nội dung thông tin trên hệ thống thông tin hoặc trên dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp để không gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; ngăn chặn việc chia sẻ và xóa bỏ thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em; kịp thời thông báo, phối hợp với lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an để xử lý.

3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên không gian mạng có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong bảo đảm quyền của trẻ em trên không gian mạng, ngăn chặn thông tin có nội dung gây nguy hại cho trẻ em theo quy định của Luật này và pháp luật về trẻ em.

4. Cơ quan, tổ chức, cha mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em và cá nhân khác liên quan có trách nhiệm bảo đảm quyền của trẻ em, bảo vệ trẻ em khi tham gia không gian mạng theo quy định của pháp luật về trẻ em.

5. Lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và các cơ quan chức năng có trách nhiệm áp dụng biện pháp để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi sử dụng không gian mạng gây nguy hại cho trẻ em, xâm phạm đến trẻ em, quyền trẻ em.

Như vậy, Luật An ninh mạng với những điều khoản cụ thể quy định về bảo vệ trẻ em trên không gian mạng đã thể hiện sự thống nhất với các luật và quy định khác. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc trẻ em tiếp xúc với internet quá dễ dàng, thiếu kỹ năng phòng vệ đang là rào cản rất lớn trong công tác bảo vệ các em. Bản thân các phụ huynh cũng chưa được trang bị đầy đủ kiến thức cũng như kỹ năng cần thiết để định hướng con em mình sử dụng internet và mạng xã hội phù hợp. Do đó, không ít gia đình để con thoải mái sử dụng mạng; nhiều gia đình có quy định giờ giấc cho con dùng các thiết bị thông minh có kết nối internet nhưng thiếu kiểm tra, giám sát. Rất ít gia đình biết xử lý phù hợp giữa việc cho con sử dụng internet, mạng xã hội với thời gian, không gian lành mạnh, đúng mục đích…

Theo thống kê thì có trên 96% trẻ em Việt Nam có sử dụng mạng internet cho nhiều mục đích khác nhau. Đây là tỷ lệ khá cao cho thấy việc tiếp cận với internet của trẻ em khá phổ biến, dễ dàng. Và dù đã có những khung pháp lý quy định khá cụ thể để bảo vệ trẻ em trên không gian mạng nhưng để nhận diện rõ trách nhiệm của từng đơn vị cụ thể còn khó khăn. Do đó, gia đình chính là điểm tựa vững chắc nhất để bảo vệ các em khỏi những tác động tiêu cực từ mạng. Muốn vậy, mỗi gia đình, bậc làm cha mẹ phải trang bị được các kỹ năng cần thiết khi sử dụng internet để hướng dẫn, thiết lập quy tắc sử dụng cho con. Chỉ như thế trẻ mới hình thành được thói quen và biết phòng vệ để hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro khi sử dụng internet, mạng xã hội. 

Cha mẹ có thể sử dụng công nghệ bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, gồm: Công cụ có sẵn trên các hệ điều hành window, IOS, Android hoặc trên các trình duyệt; công cụ hỗ trợ là các ứng dụng bảo vệ hỗ trợ và thiết bị mạng bảo vệ giám sát (wifi, gói cước viễn thông); các ứng dụng hỗ trợ như phản ánh, kiểm tra… có thể giới hạn thời gian sử dụng, giới hạn nội dung sử dụng, giúp bảo vệ trẻ khỏi các nội dung xấu độc. Như việc cài đặt YouTube Kid, cha mẹ có thể cài đặt độ tuổi của trẻ, chế độ lọc nội dung, vô hiệu hóa tính năng video gợi ý, đặt danh mục các clip hay những kênh các con nên xem. Cha mẹ cũng có thể sử dụng các ứng dụng bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng trên thiết bị đầu cuối, như phần mềm CyberPurify Kids giúp phát hiện và chặn lọc 15 loại nội dung độc hại trên Internet theo thời gian thực; Google Family Link giúp kiểm soát các thanh toán, tải về và nội dung nào được hiển thị; Kapersky Safe Kids giúp chặn quyền truy cập vào nội dung không phù hợp hoặc có hại, giới hạn thời gian sử dụng.

Ngoài việc ứng dụng các công nghệ bảo vệ trẻ em trên không gian mạng, thì sự đồng hành với trẻ từ phía nhà trường và gia đình là rất cần thiết. Rõ ràng, việc sử dụng Internet là quyền lợi của trẻ em, vì vậy cần phải trang bị kiến thức, kinh nghiệm để trẻ khai thác quyền lợi này một cách hợp lý, hợp pháp và đúng định hướng, với quan điểm tôn trọng quyền sử dụng Internet của trẻ chứ không phải là tuyệt đối ngăn cấm./.

Phúc Khánh tổng hợp
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 1.421