Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Sơ lược về số hóa và chuyển đổi số
Ngày cập nhật 11/01/2023

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, việc chuyển đổi số đã và đang diễn ra ở nhiều quốc gia, châu lục. Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trong việc ban hành các chủ trương, chính sách về chuyển đổi số, trong đó xác định cụ thể tường bước đi, lộ trình phát triển đến năm 2025, 2030. Theo đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyển đổi số phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi cung cấp một số thông tin cơ bản, sơ lược về số hóa và chuyển đổi số.

 

Số hóa

Nhiều khái niệm, định nghĩa khác nhau liên quan đến số hóa, nhưng có thể hiểu một cách đơn giản, số hóa là một bước chuyển mọi thông tin trước đây được lưu trữ trên bản giấy, băng đĩa … sang dạng kỹ thuật số, là một quá trình quan trọng trong việc chuyển đổi số. Trong thực hiện số hóa bao gồm 02 công đoạn, đó là số hóa dữ liệu và số hóa quy trình. Số hóa dữ liệu là chuyển toàn bộ dữ liệu sang dạng kỹ thuật số được lưu trữ trên các thiết bị số, việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số… Số hóa quy trình là toàn bộ quy trình khai thác, sử dụng, chia sẻ dữ liệu được thực hiện trên quy trình vận hành nhờ sự hỗ trợ các phần mềm máy tính, giúp cải thiện quy trình vận hành, khai thác các dữ liệu đã được chuyển sang dạng số phục vụ dùng chung trong cơ quan, công sở.

Trong những năm gần đây, nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực đã và đang thực hiện số hóa một cách khẩn trương, quyết liệt, rõ nét, nhất là việc thực hiện số hóa trong xử lý các văn bản, thủ tục hành chính. Hàng loạt các văn bản hành chính, các giấy tờ liên quan đã được các cơ quan chức năng scand sang định dạng bản số phục vụ lưu trữ vĩnh viễn và dùng chung. Khi thiết lập phần mềm quản lý và tra cứu văn bản, ai cũng có thể dễ dàng tìm kiếm, tra cứu thông tin văn bản, hình ảnh… được lưu trữ, quản bảo trên các thiết bị số nên không bị mối, ẩm mốc như các bản giấy… Cách đây khoảng vài năm, dễ dàng phát hiện các bưu tá vận chuyển một thùng hàng đầy ắp các thư từ, sách, báo, công văn… đến các cơ quan, công sở. Ngày nay, chỉ cần một máy tính kết nối internet, nhân viên văn thư, lưu trữ dễ dàng chuyển văn bản đến khắp các tỉnh, thành chỉ trong vài giây. Đây là phép màu từ những tiến bộ vượt bậc, những thành tựu khoa học và công nghệ; nhờ đó, công chức, viên chức và người lao động công tác trong các cơ quan, đơn vị không còn phải miệt mài ngòi bút trên các trang giấy, chỉ cần một máy tính xách tay, máy tính bảng có thể soạn thảo, lưu trữ cả một kho tư liệu khổng lồ. Bên cạnh đó, việc đưa vào ứng dụng chữ ký số, chữ ký điện tử đã giảm bớt hàng loạt các trình tự, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và gần như tức thời phát hành văn bản đến các tổ chức, đơn vị liên quan. Nhờ thực hiện số hóa mạnh mẽ, nhiều đơn vị, cơ quan thành lập văn phòng không giấy, quản lý và điều hành công việc ở công sở trôi chảy, năng suất, hiệu quả mà không cần có mặt ở cơ quan, đơn vị…

Chuyển đổi số

Chuyển đổi số là khái niệm xuất hiện khá thường xuyên của các chuyên gia, các học giả, các chính khách trao đổi trên các diễn đàn, trong các chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, các địa phương. Chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, chấp nhận sự thay đổi về tư duy, nhận thức, thể chế … Theo Cẩm nang chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số. Thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt việc chuyển đổi số để hình thành nên một quốc gia số, trong đó có 03 trụ cột chính, đó là xã hội số (theo nghĩa hẹp đó là công dân số và văn hóa số), cùng với chính phủ số và kinh tế số.

Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Theo lộ trình đã xác định, đến năm 2025, Việt Nam hình thành Chính phủ số, trong đó 05 nhóm mục tiêu cần đạt được, gồm: Cung cấp dịch vụ chất lượng phục vụ xã hội; huy động rộng rãi sự tham gia của xã hội; vận hành tối ưu các hoạt động của cơ quan nhà nước; giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn trong phát triển kinh tế-xã hội; thay đổi đột phá xếp hạng quốc gia, với các chỉ tiêu cần đạt là đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu cả về chỉ số tổng thể, chỉ số tham gia điện tử cũng như chỉ số dữ liệu mở. Trong đó, người dân, doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ số theo nhu cầu cá thể hóa, theo suốt cuộc đời, khi cần, theo cách thuận tiện, trực tuyến hoặc trực tiếp, dễ dàng, đơn giản, nhanh chóng, không giấy tờ, không cần sự hiện diện nếu pháp luật không yêu cầu. Cơ quan Nhà nước thiết kế mô hình tổ chức, cách thức vận hành dựa trên dữ liệu và công nghệ số, tạo ra môi trường làm việc và công cụ làm việc để cán bộ, công chức, viên chức có thể thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình, kết nối và hợp tác với nhau dễ dàng hơn, đưa ra quyết định kịp thời hơn, ban hành chính sách tốt hơn, sử dụng nguồn lực tối ưu hơn…

Chuyển đổi số trong xã hội nhằm hình thành xã hội số. Xã hội số, xét theo nghĩa rộng, là bao trùm lên mọi hoạt động của con người. Động lực chính của xã hội số là công nghệ số, dựa trên sự tăng trưởng thông tin, dữ liệu một cách nhanh chóng, làm thay đổi mọi khía cạnh của tổ chức xã hội, từ chính phủ, kinh tế cho tới người dân. Trong xã hội số, 03 điều kiện tác động qua lại, tương hỗ lẫn nhau, đem lại hiệu quả phát triển các lĩnh vực của đời sống xã hội, đó là quyền công dân số, cuộc sống số và thương mại số. Thực hiện quyền công dân số, chính phủ cung cấp các điều kiện cần thiết, các kênh kỹ thuật số để mọi công dân giao dịch điện tử, thực hiện các dịch vụ tiện ích thông qua hình thức trực tuyến, tăng cường tính tương tác, công khai, minh mạch thông tin giữa chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Cuộc sống số đã tác động mạnh mẽ đến đời sống thực của con người. Nhờ phát triển của điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị định vị, màn hình cảm biến, internet vạn vật …, con người giao tiếp, làm việc, vui chơi, trải nghiệm qua thực tế ảo, mô hình kinh doanh kỹ thuật số, các dự án về thành phố thông minh…

Theo Oxford, kinh tế số là “một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử được tiến hành thông qua internet”. Kinh tế số hiện diện trên tất cả các lĩnh vực của ngành kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, làm việc từ xa …). Kinh tế số có thể được hiểu khái quát là nền kinh tế sử dụng kiến thức, thông tin được số hóa để hướng dẫn, nâng cao năng suất, đem lại tăng trưởng kinh tế chất lượng cao. Một nền kinh tế bao gồm các mô hình kinh doanh và quản lý tạo ra sản phẩm, dịch vụ số hoặc hỗ trợ cung cấp dịch vụ số cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân có những quyết định nhanh, chính xác, đem lại hiệu quả trong quản lý, điều hành, nâng cao năng suất lao động xã hội.

Hòa nhịp với việc chuyển đổi số quốc gia, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng kế hoạch thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025. Mục tiêu tổng quát về chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế là phát triển chính quyền số, xây dựng xã hội số, phát triển kinh tế số trong các ngành, lĩnh vực trên tinh thần: “Đến năm 2030, Thừa Thiên Huế là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc; Đảng bộ, chính quyền và toàn hệ thống chính trị vững mạnh; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân đạt mức cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á.

Theo kế hoạch này thì Mục tiêu cơ bản đến 2025, Thừa Thiên Huế sẽ có:

- 100% hoạt động quản lý nhà nước các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số, liên thông từ cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông với Quốc gia trong các hoạt động quản lý nhà nước (Ngoại trừ các văn bản Mật theo quy định).

- 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 trên môi trường mạng.

- 100% người dân và doanh nghiệp tham gia hệ thống Chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh được xác thực định danh điện tử thông suốt hợp nhất từ hệ thống Trung ương.

- 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã xây dựng và triển khai hệ thống thông tin chuyên ngành.

- 60% dữ liệu quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã được số hóa, lưu trữ tập trung tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh và đưa vào khai thác hiệu quả.

- 80% tiêu chí đánh giá xếp loại cơ quan nhà nước, công chức, viên chức dựa trên dữ liệu số được tổng hợp từ các hệ thống thông tin chính quyền điện tử và dịch vụ đô thị thông minh.

- Hoàn thiện mô hình cơ sở dữ liệu tập trung, chia sẻ liên thông trong nội bộ tỉnh và các cơ sở dữ liệu quốc gia. Xây dựng Cổng thông tin dữ liệu mở để chia sẻ dữ liệu cho cộng đồng phục vụ phát triển chính quyền số, phục vụ nhân dân và phát triển kinh tế xã hội.

- Tỷ trọng kinh tế số đóng góp 20% tổng GDP toàn tỉnh.

- 100% địa bàn hành chính được kéo cáp quang internet.

- 100% phủ sóng mạng 4G/5G.

- Cơ bản các hộ gia đình trên toàn tỉnh được phổ cập internet.

- 50% người dùng smartphone được tiếp cận với các dịch vụ chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh.

- 100% người dân đảm bảo điều kiện được phổ cập điện thoại thông minh.

- 50% người dùng smartphone tham gia vào hoạt động thanh toán điện tử.

- 90% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

- 70% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tiếp cận và tham gia vào các hoạt động giao dịch điện tử trên môi trường mạng.

Mục tiêu cơ bản đến 2030 sẽ hình thành và hoàn thiện hệ sinh thái số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, thúc đẩy đạt mục tiêu xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Dữ liệu được thu thập hoàn thiện và chia sẻ toàn diện nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (trừ những dữ liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Số hóa chỉ là giai đoạn ban đầu, chuyển đổi số quyết định đến toàn bộ các hoạt động xã hội trong kỷ nguyên số. Việc chuyển đổi số là tất yếu, là yêu cầu bắt buộc, tác động đến hầu hết các lĩnh vực trong đời sống xã hội. Đó là cơ hội bứt phá cho Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp nói riêng vượt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Chuyển đổi số tạo nên đột phá to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi tổng thể và toàn diện con người về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số./.

 

Phúc Khánh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 157