Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Chuyển đổi số và những thách thức với nền hành chính
Ngày cập nhật 30/11/2023

Năm 2023 được chọn là năm “Dữ liệu số, tạo lập và khai thác dữ liệu để tạo ra giá trị mới”. Trong Hội nghị Sơ kết một năm triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã nêu bật tính cấp thiết phải xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia để “phục vụ ngày càng tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả”.

 

         Sau một năm thực hiện Đề án 06, rất nhiều chuyển biến tích cực đã được tạo ra, tác động sâu rộng đến đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc cho xã hội và cả nền kinh tế. Tinh thần chuyển đổi số đã được thực tế hóa ở nhiều dịch vụ công, dịch vụ công ích, nhiều công đoạn trong việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, nhiều giấy tờ đã được bãi bỏ, cắt giảm nhiều thủ tục và chi phí, giảm thiểu tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt...
 
        Tuy nhiên, thách thức vẫn còn nhiều cả từ khách quan lẫn chủ quan, từ công nghệ, dữ liệu và cả sự thiếu chủ động vào cuộc của một số địa phương, bộ, ngành dẫn đến kết quả còn chưa được đồng bộ, thông suốt. Tiến tới một nền hành chính giảm giấy tờ, bớt thủ tục, là một trong những mục tiêu của các chương trình hành động quốc gia về chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.
 
        Mỗi năm ở Việt Nam có chừng hai triệu hồ sơ đăng ký khai sinh và 600.000 hồ sơ đăng ký khai tử. Giải quyết các phần việc này thuộc thẩm quyền của nhiều bộ, ngành: Công an, y tế, bảo hiểm xã hội, tư pháp, lao động thương binh xã hội. Từ tháng 11/2022, Hà Nội, Hà Nam đã được thí điểm thực hiện hai nhóm dịch vụ công liên thông gồm: Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi và Đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí... Chỉ khai báo thông tin một lần cho cả ba thủ tục và cơ quan quản lý nhà nước tiết giảm tối thiểu chi phí in sao cũng như thời gian luân chuyển hồ sơ, khắc phục sai sót, hạn chế tình trạng làm giả hồ sơ..., hiệu quả thiết thực từ đợt thí điểm này đã tiếp thêm động lực để các nhóm thủ tục liên thông được triển khai khắp cả nước từ quý I/2023.
 
        Ngày 6/1/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 06 Phê duyệt Đề án phát triển dữ liệu ứng dụng về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Ngoài thúc đẩy các dịch vụ công, dịch vụ công ích trên môi trường điện tử, theo tinh thần của Đề án, các doanh nghiệp bước đầu đã được ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân... phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được chia sẻ, kết nối góp phần “làm sạch thông tin tín dụng ngân hàng, kiểm soát, đánh giá rủi ro trong quá trình cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, cung cấp dịch vụ chấm điểm tín dụng công dân trên nền tảng dữ liệu dân cư...”. Căn cước công dân gắn chíp tích hợp thẻ bảo hiểm y tế đã thông suốt tại 94% cơ sở khám, chữa bệnh (tiết kiệm 24,7 tỷ đồng in thẻ bảo hiểm y tế giấy so với năm 2021); tích hợp thẻ ATM cho nhu cầu rút tiền mặt (tiết kiệm chi phí 50.000 đồng in/thẻ cho các ngân hàng).... Quan trọng hơn, dữ liệu dân cư được làm sạch giúp bảo đảm xác thực chính xác danh tính, phòng, chống rủi ro, gian lận... Ở nhiều địa phương, Ngân hàng nhà nước cùng hệ thống các ngân hàng thương mại đã tích cực đưa các ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt vào những môi trường đông người hoạt động như bệnh viện, trường học... Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư kết nối với các cơ sở dữ liệu khác, như của các doanh nghiệp viễn thông, đã làm sạch thông tin thuê bao di động với gần 70 triệu yêu cầu đối sánh, dần dần tránh tệ nạn sim rác, hạn chế tối thiểu sự tồn tại của sim không chính chủ...
 
         Vô cùng nhiều tiện ích đã bắt nhịp cùng đời sống từ mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, tạo nên những lợi ích bao trùm toàn xã hội. Căn cước công dân gắn chíp cùng với tài khoản định danh điện tử công dân đã được dùng thay thế cho hàng loạt giấy tờ, là viên gạch đầu tiên xây nền móng triển khai thuận tiện thêm nhiều các dịch vụ công và phát triển kinh tế xã hội. Viễn cảnh trong ví người dân chỉ cần thẻ căn cước công dân gắn chíp, thậm chí tài khoản định danh điện tử công dân mà bỏ qua giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế... không còn xa vời. 68 triệu dữ liệu về bảo hiểm xã hội, 28 triệu dữ liệu về thuế... được xác thực và đồng bộ từ ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã giúp giảm nhiều phiền hà khi người dân, doanh nghiệp có nhu cầu tương thích. “Dữ liệu dân cư là tài nguyên quan trọng, được quản lý tập trung, thống nhất và chia sẻ trong toàn bộ hệ thống chính trị, phục vụ người dân, doanh nghiệp theo yêu cầu của pháp luật. Dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử là cơ sở để chuyển đổi số trong cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số”, từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự hợp tác của người dân, doanh nghiệp... mục tiêu chính phủ số, chính quyền số, công dân số... đang từng bước hiện thực hóa.../.
 
 
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 122