Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người
Ngày cập nhật 02/06/2023

Rác thải từ nhựa đang là một vấn đề ô nhiễm môi trường đáng báo động. Bởi lẽ, chúng không chỉ gây ô nhiễm môi trường, hơn hết, chúng ảnh hưởng trực tiếp đến con người và sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người phải gánh chịu. Đặc biệt là đối với rác thải nhựa,với đặc tính bền vững trong tự nhiên, rác thải nhựa (chai nhựa, túi ni-lông, hộp đựng đồ ăn, cốc…) cùng với các chất gây ô nhiễm môi trường khác đã và đang tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người trên toàn thế giới.

 

Túi ni-lông đã trở thành vật dụng khó có thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi ni-lông được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ, chợ dân sinh đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn.

Hiện nay con người đang quá phụ thuộc vào vật dụng nhựa dùng một lần, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến môi trường. Theo thống kê, mỗi phút con người mua 1 triệu chai nhựa, mỗi năm thế giới sử dụng 500 tỷ túi ni-lông, 50% vật dụng nhựa chúng ta sử dụng là loại dùng một lần, gần 1/3 túi ni-lông sau khi sử dụng không được thu gom và xử lý đã làm ô nhiễm môi trường tự nhiên. Hàng năm, có tới 13 triệu tấn chất thải nhựa đổ ra đại dương, gây tổn thương đến hệ san hô, hệ động vật đại dương.

Tác hại nguy hiểm nhất của rác thải nhựa và túi ni-lông tới môi trường chính là tính chất rất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên. Chiếc túi ni-lông nhỏ bé và mỏng manh như vậy nhưng lại có quá trình phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời.

Sự tồn tại của nó trong môi trường sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước, bởi túi ni-lông lẫn vào đất sẽ làm thay đổi tính chất vật lý của đất gây xói mòn đất, làm cho đất không giữ được nước, dinh dưỡng, ngăn cản ôxy đi qua đất ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng.

Rác thải nhựa và túi ni-lông khó phân hủy làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch gây ứ đọng nước thải và ngập úng, là điều kiện cho côn trùng, vi khuẩn, vi trùng gây bệnh sinh sôi.

Nghiêm trọng hơn, rác thải nhựa và túi ni-lông khi tự phân hủy trong môi trường thường bị vụn thành các hạt vi nhựa. Hạt vi nhựa với kích thước cực nhỏ, có thể xâm nhập vào cơ thể của các loài sinh vật biển và do không tiêu hủy được hạt vi nhựa được tích tụ lại trong cơ thể sinh vật tiếp tục đi vào cơ thể con người, các hạt nhựa siêu nhỏ có thể xâm nhập vào mạch máu, hệ bạch huyết, thậm chí vào gan.

Thực tế nhiều loại túi ni-lông được làm từ dầu mỏ nguyên chất khi chôn lấp sẽ ảnh hưởng tới môi trường đất và nước, khi đốt ở nhiệt độ bình thường sẽ tạo ra khí thải có chứa dioxin và furan, là chất kịch độc, ảnh hưởng tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, gây rối loạn chức năng, gây ung thư và các dị tật bẩm sinh cho trẻ sơ sinh.

Ngoài ra rác thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy còn gây mất mỹ quan và cảnh quang môi trường.

Để giảm thiểu tối đa tác hại của túi ni-lông nguời sử dụng cần hạn chế sử dụng túi ni-lông thông thuờng bằng cách sử dụng túi dùng nhiều lần và có khả năng phân huỷ sinh học khi đi mua hàng; không nên dùng túi ni-lông rẻ tiền, có màu để đựng thực phẩm, đặc biệt là không được dùng để đựng thực phẩm nóng, có vị chua. Sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi ni-lông để công ty môi truờng thu gom và tiêu huỷ theo quy định.

Con người chỉ mất một giây để vứt bỏ nhưng rác thải nhựa và túi ni-lông cần đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm để phân hủy. Hậu quả của chúng đối với môi trường thật sự khủng khiếp. Bên cạnh đó, chúng còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người. Mỗi người chúng ta cá thể chung tay từ những hành động nhỏ nhất để giảm thiểu rác thải nhựa và túi ni-lông ngay từ hôm nay bằng cách: Sử dụng túi vải hay giỏ xách nhựa để đi chợ thay vì sử dụng túi ni lông; sử dụng xơ mướp làm giẻ rữa chén bát, sau khi sử dụng xong nên giặt, phơi khô để dùng bền hơn; sử dụng bình nước kim loại, thủy tinh để đựng nước thay vì chai nhựa, lon nhựa; sử dụng ống hút tre, ống hút cỏ bàng, ly giấy để thay thế ống hút nhựa, ly nhựa; sử dụng hộp đựng thức ăn bằng bã mía hoặc các sản phẩm sinh học vừa ngăn ngừa nguy cơ bị ung thư, vừa giảm thiểu rác thải nhựa ra ngoài môi trường.

Mỗi người dân nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các sáng kiến và hành động cụ thể, thiết thực. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…

Với những cảnh báo từ thiên nhiên về tình trạng báo động đỏ của rác thải nhựa. Mỗi một chúng ta bằng hành động nhỏ nhất hãy góp phần cải tạo môi trường ngay từ bây giờ, từ mỗi gia đình, cộng đồng và xã hội. Hãy cùng nhau hành động để tạo nên một môi trường sống trong lành, xanh sạch, không rác thải nhựa./.

 

Phúc Khánh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 401