Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Ngày Môi trường thế giới 2024 “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”
Ngày cập nhật 03/06/2024

Năm 2024, chủ đề Ngày Môi trường thế giới được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa” nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

 

Ngày môi trường thế giới lần đầu tiên được khai mạc vào ngày 5 tháng 6 năm 1972 tại Stockholm - Thụy Điển. Sự kiện trọng đại này đã chính thức được công bố bởi Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc (United Nations Environment Programme). Kể từ năm 1972 tới nay, đã có hơn 150 quốc gia trên thế giới hưởng ứng tham gia ngày kỷ niệm có ý nghĩa to lớn này.

Trong sự kiện này, các hoạt động bảo vệ môi trường sẽ được tổ chức trong tuần lễ quanh ngày 5 tháng 6. Lễ kỷ niệm hàng năm sẽ được tổ chức ở nhiều quốc gia khác nhau. Đây được coi là nghĩa cử đặc biệt để giúp cho người dân toàn cầu hiểu về tầm quan trọng của môi trường và công tác bảo vệ môi trường.

Việt Nam bắt đầu tham gia hưởng ứng Ngày môi trường thế giới vào năm 1982. Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa để dân tộc Việt Nam bảo vệ môi trường sống của mình. Hiện nay, Việt Nam đã có rất nhiều đóng góp trong công tác bảo vệ và giữ gìn môi trường.

Mục tiêu lớn nhất và cũng được xem là ý nghĩa nhất của ngày Môi trường  thế giới là thúc đẩy mọi người thật sự hiểu được tầm quan trọng của việc giữ môi trường sạch, không ô nhiễm. Cốt yếu nhờ sự kiện này mà tạo ảnh hưởng lên toàn bộ người dân thế giới vì sự bảo vệ không chỉ một hay hai ngày mà đây là một quá trình phải được thực hiện một cách nghiêm túc liên tục.

Ngày Môi trường thế giới 5 tháng 6 năm 2024 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hoá” nhằm kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Trong những năm gần đây, con người đã nhận ra và có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, phục hồi hệ sinh thái. Tất cả chúng ta đều thấy những hệ quả xảy ra khi loài người liên tục phá hoại môi trường. Do đó, việc cấp thiết nhất tại thời điểm hiện nay là chung tay chống biến đổi khí hậu, hạn chế thiên tai lũ lụt, đảm bảo các nguồn lương thực xanh và nguồn nước sạch cho sinh vật trên toàn hành tinh.

Để hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường và Ngày Môi trường thế giới 2024, đề nghị mỗi chúng ta cần tập trung thực hiện 5 nội dung sau đây:

1. Làm vệ sinh môi trường; thu gom và phân loại rác thải

Tổ chức và tham gia ra quân làm vệ sinh môi trường, thu gom và xử lý chất thải, rác thải tồn đọng, đặc biệt tại các điểm tập kết rác thải sinh hoạt trên địa bàn; khơi thông, nạo vét kênh mương, hệ thống thoát nước; trồng hoa, cây xanh dọc các tuyến đường; tổ chức diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại như trục vớt bèo tây, cây mai dương, diệt ốc bưu vàng. Mọi người cần phân loại các chất thải trước khi đem ra các địa điểm tập kết rác. Dưới đây là các loại rác bạn cần phân loại:

- Chất thải hữu cơ: Đây là loại chất thải có thể tái sử dụng làm phân bón tưới cây và có hàm lượng dinh dưỡng rất cao cho cây cối. Loại chất thải này có thể tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất phân và cũng có lợi rất nhiều cho môi trường. Nhờ đó, các loại thực phẩm sẽ xanh, sạch và không nhiều chất hóa học. 

- Chất thải tái chế: Các loại chất thải như sắt, gỗ, nhựa,... áp dụng phương pháp tái chế và sử dụng lại. Việc này sẽ giúp lượng nhựa được sản xuất mới hàng năm và giữ được lượng cây trong thiên nhiên để tạo ra oxi.

- Chất thải vô cơ: Đối với loại rác này thì không còn cách xử lý nào ngoài việc tiêu hủy. Các loại rác này phải được chôn lấp và xử lý để tránh sinh ra chất độc hại.

2. Hãy Tái sử dụng các bịch nilon, sản phẩm làm nhựa, kim loại

Nhựa, kim loại hay các bịch nilon là những loại chất thải rất khó phân hủy. Để tiêu huỷ chúng cần đến từ 400 - 600 năm. Việc tiêu hủy các túi nilon, rác từ nhựa hay kim loại cũng sẽ phát sinh lượng độc tố rất lớn gây ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe của con người. Do đó, để tránh việc các sản phẩm trên được sản xuất rộng rãi hơn nữa, việc chúng ta cần làm là tái sử dụng các đồ dùng cũ hoặc thay thế bằng các sản phẩm từ thiên nhiên an toàn với môi trường hơn.

3. Hãy ưu tiên dùng sản phẩm tự phân hủy hoặc có thể tái chế

Bạn nên vận động người thân và gia đình nên dùng các sản phẩm tự phân hủy hoặc có thể tái chế thay vì dùng các sản phẩm từ nhựa, nilon, kim loại,... Hiện nay, tại nhiều siêu thị lớn, nơi từng dùng một lượng lớn các bao nilon nay đã chuyển sang túi giấy hoặc túi vải để kêu gọi khách hàng có thể sử dụng được nhiều lần. Việc này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp chính bạn giảm thiểu được nhiều chi phí. 

4. Hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật

Hiện nay, các loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) thế hệ mới có độc tính thấp, ít tồn lưu trong môi trường đang thay thế dần các loại thuốc cũ. Tuy nhiên, dù là loại thuốc BVTV nào cũng đều có tính chất độc hại, bởi bản chất của thuốc BVTV là dùng độc tố để tiêu diệt sâu bọ và mầm bệnh.

Việc sử dụng thuốc BVTV bừa bãi không chỉ khiến sức khỏe của cộng đồng bị ảnh hưởng bởi tồn dư trong sản phẩm mà còn gây ô nhiễm nguồn tài nguyên đất, nước sinh hoạt, môi trường sống... đặc biệt còn tác động trực tiếp đến sức khỏe của người sản xuất. Vì vậy, người dân cần sử dụng các loại thuốc BVTV sinh học, thuốc thảo mộc, thuốc thế hệ mới trong sản xuất nông nghiệp; thu gom bao bì thuốc BVTV để xử lý…

5. Tham gia vào các hoạt động bảo vệ các loài động vật hoang dã; không săn bắt, kinh doanh, mua bán, sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã (bao gồm các loài chim trời).

Ô nhiễm môi trường là một trong những vấn đề cấp bách hiện nay, nó đe dọa đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và nhiều hệ lụy khác mà con người chúng ta phải gánh chịu. Vì vậy bảo vệ môi trường không của riêng ai và nhiệm vụ đó phải được thực hiện thường xuyên, liên tục ở mọi nơi trong cuộc sống hàng ngày. Nhiều người có ý thức đẹp sẽ tạo thành một nét văn hóa đẹp. Chung tay cùng nhau, chúng ta tạo nên một môi trường xanh - sạch - đẹp./.

Phúc Khánh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 247