Tìm kiếm tin tức
Liên kết website
Sở, Ban, Ngành
UBND Huyện, Thị xã, Thành phố
TIẾN ĐỘ XỬ LÝ HỒ SƠ TTHC

 

Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028
Ngày cập nhật 06/02/2023

Ngày 14/9/2022 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1079/QĐ-TTg phê duyệt Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam. Thực hiện Công văn số 328/UBND-VHTT ngày 03/02/2023 của Ủy ban nhân dân huyện Phong Điền về việc triển khai thực hiện Đề án truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023 – 2028; Trang Thông tin điện tử xã Phong Bình xin giới thiệu nội dung chủ yếu của Đề án này.

 

I. QUAN ĐIỂM

1. Hiểu biết một cách đúng đắn về quyền con người cũng như các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về quyền con người là điều kiện tiên quyết để bảo vệ, thúc đẩy quyền con người một cách hiệu quả. Thông tin, truyền thông về quyền con người phải được tiến hành một cách thường xuyên, liên tục, với hình thức đa dạng để mọi tầng lớp nhân dân hiểu biết và chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật về quyền con người; đấu tranh, phê phán những quan điểm, luận điệu sai trái về quyền con người.

2. Công tác tuyên truyền về quyền con người là nhiệm vụ chính trị và là trách nhiệm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, trước mắt và lâu dài. Kết quả tuyên truyền về quyền con người là một trong những tiêu chí khách quan đánh giá hiệu quả công tác quyền con người của các cấp, các ngành. Công tác bảo đảm và thúc đẩy quyền con người đạt kết quả tốt là điều kiện quyết định để công tác truyền thông về quyền con người đạt hiệu quả tốt.

3. Truyền thông về quyền con người cần được triển khai trên cả 3 nội dung chính: phổ biến, giáo dục kiến thức về quyền con người; tuyên truyền về các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người; giải thích, làm rõ, phản bác các thông tin sai lệch, xuyên tạc về tình hình quyền con người ở Việt Nam. Trong đó, ưu tiên khai thác hiệu quả thế mạnh của truyền thông trên các nền tảng số để cung cấp thông tin minh bạch đến người dân trong nước và quốc tế về các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của Nhà nước ta.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Truyền thông về quyền con người nhằm tạo sự chuyển biến trong nhận thức, hiểu biết của toàn xã hội về các quyền con người; thông tin đầy đủ giúp người dân trong nước, đồng bào ở nước ngoài và bạn bè quốc tế hiểu rõ về quan điểm, chủ trương, nỗ lực và kết quả đạt được trong công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam; nâng cao uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực quyền con người ở phạm vi trong nước, khu vực và trên thế giới.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2028

- 100% cơ quan hành chính nhà nước thực hiện cơ chế phát ngôn và cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí về công tác quyền con người theo quy định hiện hành để thông tin về tình hình và kết quả công tác quyền con người kịp thời và tương xứng với các nỗ lực và thành tựu đảm bảo quyền con người của các cơ quan chức năng nói riêng và cả nước nói chung.

- 100% cán bộ làm công tác quyền con người, 100% cán bộ làm công tác quản lý thông tin, truyền thông, 100% nhân sự tham gia công tác thông tin đối ngoại của các cơ quan báo chí, 70% cán bộ chủ chốt của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp trung ương và cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được cập nhật thông tin tình hình công tác quyền con người ở Việt Nam, tập huấn kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người.

- Tổ chức chuỗi Triển lãm ảnh, tài liệu lưu trữ về quyền con người ở Việt Nam bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài tại 63 tỉnh, thành phố và một số địa bàn trọng điểm ở nước ngoài.

- Biên soạn, xuất bản và tái bản 1.000 đầu sách về quyền con người; đa dạng hóa hình thức các sản phẩm truyền thông đại chúng, nâng tỉ trọng các sản phẩm truyền thông bằng tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài và sản phẩm truyền thông trên nền tảng số chiếm từ 15% đến 20% tổng số sản phẩm truyền thông về quyền con người.

- 100% nguồn dữ liệu và sản phẩm truyền thông của Đề án được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn. Giảm thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng xuống còn dưới 10% tổng số thông tin về quyền con người ở Việt Nam; phát hiện, xử lý 90% tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người trên không gian mạng.

- Về đối ngoại: hoàn thành việc thực hiện khuyến nghị của quốc tế về tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về quyền con người đã được Chính phủ Việt Nam chấp thuận, bao gồm khuyến nghị số 63, 67, 86 theo cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc chu kỳ III(1).

III. ĐỐI TƯỢNG, PHẠM VI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Đối tượng truyền thông

- Các cán bộ làm công tác quyền con người, truyền thông, thông tin đối ngoại, công tác vận động quần chúng cấp trung ương, địa phương ở trong nước và các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

- Các tầng lớp nhân dân, các cộng đồng tôn giáo, dân tộc, đặc biệt là giới trí thức, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong các cộng đồng dân tộc thiểu số, thanh niên, sinh viên, học sinh, người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng mạng.

- Báo chí, truyền thông trong nước và quốc tế.

- Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam đang học tập ở nước ngoài.

- Các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước, văn phòng đại diện của các tổ chức quốc tế, khu vực và hãng thông tấn, báo chí quốc tế tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cộng đồng người nước ngoài định cư ở Việt Nam.

- Chính giới, các tổ chức chính trị, xã hội, dân sự các nước, các tổ chức quốc tế, khu vực và các tổ chức phi chính phủ có uy tín trong lĩnh vực quyền con người, đặc biệt là các tổ chức có thiện cảm với Việt Nam.

2. Phạm vi thực hiện Đề án

- Trong nước: thực hiện trên 63 tỉnh, thành phố cả nước.

- Ngoài nước: lựa chọn tổ chức truyền thông trực tiếp và trực tuyến hướng tới một số địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống; một số địa bàn ưu tiên phát triển quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước; trụ sở của các cơ quan quyền con người quốc tế như: New York (Mỹ), Geneve (Thụy Sĩ), Bangkok (Thái Lan)...

IV. NỘI DUNG TRUYỀN THÔNG

1. Luật pháp quốc tế về quyền con người, trong đó đặc biệt quan tâm tới 07 công ước quốc tế cơ bản về quyền con người mà Việt Nam là thành viên gồm (1) Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị; (2) Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa; (3) Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; (4) Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc; (5) Công ước về Quyền Trẻ em; (6) Công ước về Quyền của Người khuyết tật; (7) Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người; kinh nghiệm quốc tế về đảm bảo và thúc đẩy quyền con người.

2. Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước Việt Nam về quyền con người; kết quả nội luật hóa và triển khai thực thi các cam kết quốc tế về quyền con người, các cam kết quốc tế song phương và đa phương mà Việt Nam là thành viên hoặc có kế hoạch gia nhập.

3. Tình hình, nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người trên các lĩnh vực, trong đó có công tác xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống của người dân, các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương để không ai bị bỏ lại phía sau; những đánh giá, nhận định tích cực của dư luận, truyền thông quốc tế về kết quả công tác bảo đảm và phát triển quyền con người của Việt Nam. Các thông tin tích cực, đề cao các giá trị đạo đức, hướng thiện, lối sống nhân văn, tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lòng yêu nước, tự hào dân tộc.

4. Các vụ việc, các đối tượng trong nước và nước ngoài, các hành vi lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, quyền con người để vi phạm pháp luật, phương hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, hình ảnh, uy tín quốc tế của Việt Nam.

5. Các ưu tiên trong đối ngoại về quyền con người của Việt Nam; về vị trí, vai trò, sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trong các nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người ở cấp độ khu vực và quốc tế.

V. GIẢI PHÁP VÀ NHIỆM VỤ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Hoàn thiện cơ chế, hệ thống văn bản hướng dẫn quản lý Đề án

Xây dựng chương trình kế hoạch, biện pháp cụ thể để tăng cường hiệu quả công tác truyền thông về quyền con người; thực hiện có hiệu quả cơ chế phối hợp liên ngành trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện Đề án, cụ thể:

a) Hướng dẫn kế hoạch thực hiện Đề án.

b) Duy trì và hướng dẫn các địa phương triển khai áp dụng cơ chế Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người định kỳ.

c) Nghiên cứu xây dựng văn bản quy định chế độ lưu trữ sản phẩm Đề án và các sản phẩm truyền thông sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước; quy trình khai thác lại các chương trình, sản phẩm truyền thông của Đề án.

d) Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản hướng dẫn công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người hằng năm.

2. Tập huấn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người cho các lực lượng truyền thông

a) Tiếp tục duy trì cơ chế Hội nghị cung cấp thông tin cho báo chí về công tác quyền con người và thông tin đối ngoại định kỳ hằng tháng.

b) Nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo chuyên đề, tọa đàm chuyên gia nhằm nâng cao, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ truyền thông về quyền con người cho phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí, truyền thông, xuất bản, cán bộ thông tin đối ngoại, thông tin cơ sở ở trung ương và địa phương; cán bộ thành viên Ban Chỉ đạo về Nhân quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cán bộ quản lý các cấp, nhất là cấp địa phương, cơ sở; đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật; tuyên truyền viên là cán bộ các tổ chức chính trị - xã hội của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cấp công đoàn.

c) Xây dựng chương trình, biên soạn bộ tài liệu truyền thông về quyền con người sử dụng thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương.

d) Tăng cường tổ chức đi thực tế cho phóng viên báo chí đến các địa phương, cơ sở để thực tế, viết bài về các nội dung truyền thông xác định tại Đề án.

3. Sản xuất, đăng phát các sản phẩm truyền thông về quyền con người bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài

a) Đẩy mạnh xây dựng và khai thác các tài khoản, kênh thông tin trên mạng xã hội đa ngôn ngữ, đa kênh, hướng tới thị trường mục tiêu nhằm lan tỏa thông tin, mở rộng đối tượng tuyên truyền, đặc biệt là giới trẻ. Liên kết xã hội hóa, huy động mời những nhân vật có uy tín, sức ảnh hưởng lớn trong cộng đồng mạng tham gia các chiến dịch truyền thông về quyền con người.

b) Xây dựng các chương trình bồi dưỡng trực tuyến đại chúng mở, miễn phí (Massive Open Online Course - MOOCs) về các nội dung liên quan đến quyền con người gồm các video có thời lượng từ 03 phút - 05 phút kết hợp với văn bản trình chiếu bài giảng.

c) Sản xuất, phổ biến các xuất bản phẩm truyền thông đa phương tiện bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài, ưu tiên các sản phẩm có phong cách mới, cách nhìn mới để dễ tiếp cận và lan truyền trên mạng xã hội; sách điện tử có thể quét mã QR, tải lên các ứng dụng trực tuyến.

d) Tiếp tục xây dựng các sản phẩm truyền thông về quyền con người phù hợp với tình hình thực tế mỗi địa phương, vùng miền để đăng phát trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, đài truyền thanh cấp xã, bảng tin điện tử, cụm thông tin cơ sở và các loại hình thông tin cơ sở khác (phóng sự phát thanh, kịch truyền thanh, tiểu phẩm, video...). Tổ chức tuyên truyền lưu động thông qua hình thức triển lãm tranh, ảnh tư liệu, tranh cổ động về quyền con người.

đ) Đẩy mạnh truyền thông về quyền con người trong các chương trình ngoại khóa, các buổi sinh hoạt Đoàn, Hội và tuần sinh hoạt giáo dục công dân, sinh hoạt chính trị đầu khóa của học sinh, sinh viên, sinh hoạt của tổ chức công đoàn, hội phụ nữ, hội người cao tuổi ở các cấp.

e) Tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu về quyền con người, quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người.

g) Tổ chức chuỗi sự kiện Triển lãm thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam ở trong và ngoài nước.

Nghiên cứu sưu tầm, công bố trong và ngoài nước các tư tưởng quyền con người của Việt Nam qua các tài liệu lưu trữ nhà nước nhằm tăng cường hội tụ giá trị, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; soi chiếu khẳng định nỗ lực và thành tựu bảo đảm quyền con người của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tương thích với các giá trị quyền con người phổ quát. Hình thức tổ chức: trực tiếp và trực tuyến.

4. Hợp tác quốc tế, thông tin đối ngoại về quyền con người

a) Duy trì hiệu quả cơ chế đối thoại, trao đổi thông tin với các đối tác quốc tế, các cơ chế quyền con người quốc tế. Xây dựng kế hoạch truyền thông và thông tin cho báo chí trước, trong và sau các sự kiện đối ngoại về quyền con người phù hợp theo quy định thỏa thuận chung, các hoạt động bảo vệ báo cáo quốc gia thực thi các công ước Liên hợp quốc về quyền con người.

b) Khai thác các nguồn hỗ trợ, tài trợ của nước ngoài theo quy định của pháp luật phục vụ hoạt động truyền thông về quyền con người.

c) Tiếp tục hợp tác với các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài để trao đổi tin, bài thông tin về chủ trương, chính sách và thành tựu quyền con người ở Việt Nam đăng phát trên báo chí nước ngoài.

d) Tổ chức các chương trình đi thực tế ở Việt Nam cho phóng viên nước ngoài thường trú tại Việt Nam, các đoàn phóng viên quốc tế đi thực tế tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

5. Tổ chức các giải thưởng truyền thông về quyền con người

a) Đưa hạng mục Giải báo chí về quyền con người vào hệ thống các Giải báo chí quốc gia, Giải sách quốc gia, Giải thưởng Thông tin đối ngoại toàn quốc...; nghiên cứu tổ chức Giải thưởng truyền thông về quyền con người.

b) Tổ chức phát động các cuộc thi viết, tìm hiểu kiến thức pháp luật, thi ảnh, nghệ thuật về quyền con người.

6. Thực hiện chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ mới trong các hoạt động truyền thông về quyền con người

a) Số hóa các tư liệu, tài liệu, xuất bản phẩm đa phương tiện là sản phẩm của Đề án để lưu trữ tại cơ sở dữ liệu dùng chung cấp quốc gia. Hiệu chỉnh và xây dựng thêm các nội dung bổ trợ nhằm khai thác tối đa dữ liệu đã số hóa (đa ngôn ngữ, xây dựng các ấn bản điện tử bổ trợ) tiến tới xây dựng hệ sinh thái thông tin về quyền con người trên môi trường mạng.

b) Ứng dụng thực tế ảo, thực tế tăng cường, website 3D, mô hình, ứng dụng (app)... nhằm cung cấp các trải nghiệm, tương tác để từng bước nâng cao nhận thức của người dân, phát huy tối đa sự hứng thú, tạo nên ấn tượng để người dân cùng tham gia tuyên truyền thành tựu quyền con người, quảng bá đất nước.

c) Ứng dụng công nghệ số trong giám sát thông tin trên không gian mạng để kịp thời phát hiện, phân tích các luồng thông tin phục vụ công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu cấp có thẩm quyền các biện pháp ứng phó; truyền thông chủ động, điều hướng thông tin, đấu tranh chống nạn tin giả, tin xấu độc xâm hại quyền con người ở Việt Nam.

d) Xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu về quyền con người phục vụ lưu trữ, kết nối, chia sẻ, khai thác hiệu quả các sản phẩm truyền thông về quyền con người.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Kinh phí thực hiện Đề án từ nguồn ngân sách nhà nước; các nguồn đóng góp của các cơ quan báo chí, xuất bản, tổ chức nghiên cứu khoa học tham gia thực hiện Đề án; các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và các nguồn tài trợ hợp pháp khác.

2. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được giao trong Chương trình, các bộ, ngành trung ương và địa phương xây dựng kế hoạch và dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp chung trong kế hoạch dự toán ngân sách hằng năm của bộ, ngành trung ương và địa phương trình cấp có thẩm quyền quyết định theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

3. Việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và các quy định của pháp luật liên quan.

VII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Điều khoản chung

Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, các cơ quan báo chí, các cơ quan triển khai Đề án có trách nhiệm:

- Phối hợp với cơ quan chủ trì Đề án triển khai thực hiện Đề án.

- Xây dựng kế hoạch cụ thể, dự toán thực hiện Đề án trong dự toán ngân sách nhà nước của cơ quan, đơn vị.

- Báo cáo sơ kết 3 năm và tổng kết Đề án gửi Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì hướng dẫn kế hoạch thực hiện Đề án.

- Chủ trì, phối hợp chủ động truyền thông về quyền con người trong Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số; chú trọng bảo vệ quyền trẻ em trên không gian mạng.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, tổ chức liên quan đề xuất các dự án sử dụng nguồn tài trợ, hỗ trợ hợp pháp khác để triển khai các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.

- Chủ trì hoàn thiện khung nội dung Triển lãm thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam; điều phối các bộ, ngành, địa phương đóng góp ảnh, tài liệu về kết quả đảm bảo quyền con người theo phạm vi, lĩnh vực quản lý; chủ trì tổ chức Triển lãm trực tiếp và trực tuyến ở cấp quốc gia, cấp vùng, địa phương trong nước và một số địa bàn ngoài nước; chuyển giao và hướng dẫn các địa phương tổ chức Triển lãm ở cấp tỉnh và cơ sở.

- Chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức kiểm tra, đôn đốc; xây dựng báo cáo sơ kết sau 03 năm thực hiện Đề án và tổ chức hội nghị tổng kết Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Công an

- Chủ trì xây dựng, cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu truyền thông về công tác phòng, chống buôn bán người;

- Phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng, cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu truyền thông về Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông rà quét, phát hiện, tổ chức triển khai các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng không gian mạng xuyên tạc tình hình, vi phạm pháp luật Việt Nam.

- Chủ trì cung cấp thông tin chính thức về các vụ việc quốc tế quan tâm, về việc xử lý các đối tượng lợi dụng các quyền tự do, dân chủ vi phạm pháp luật Việt Nam; chủ trì hoặc phối hợp giải thích, làm rõ, đấu tranh phản bác các thông tin sai lệch về quyền con người ở Việt Nam.

4. Bộ Ngoại giao chủ trì truyền thông ở địa bàn ngoài nước; chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thực hiện công tác truyền thông về quyền con người tới người Việt Nam ở nước ngoài, chính giới, báo chí, học giả nước ngoài.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì xây dựng, cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu về Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ; Công ước về Quyền Trẻ em; Công ước về Quyền của Người khuyết tật; Công ước về Lao động di cư và gia đình họ; các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế về quyền lao động và các điều khoản liên quan đến quyền của lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

6. Bộ Tư pháp chủ trì công tác giáo dục, phổ biến pháp luật về quyền con người; xây dựng, cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu truyền thông về Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị, Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng, cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu truyền thông về Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa.

8. Ủy ban Dân tộc chủ trì xây dựng, cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu truyền thông về Công ước về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc.

9. Bộ Công Thương chủ trì xây dựng, cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu truyền thông về các cam kết liên quan đến quyền con người trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã hoặc có kế hoạch tham gia.

10. Bộ Nội vụ chủ trì xây dựng, cung cấp nội dung, phát triển dữ liệu truyền thông về đảm bảo các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và các nhóm quyền khác theo chức năng, nhiệm vụ.

11. Ban Tuyên giáo Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội

a) Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan xây dựng hệ thống tài liệu; hướng dẫn tuyên truyền về công tác quyền con người.

b) Tăng cường truyền thông theo các nội dung, nhiệm vụ nêu tại Đề án.

12. Bộ Tài chính bố trí ngân sách trung ương đảm bảo nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện Đề án.

13. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

- Tổ chức, chỉ đạo việc thực hiện Đề án ở địa phương.

- Chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng trên địa bàn, căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án, triển khai thực hiện công tác truyền thông phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế tại địa phương.

- Cân đối và bố trí ngân sách địa phương để triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

14. Các cơ quan báo chí, xuất bản

- Khai thác cơ chế đặt hàng, đề xuất nhiệm vụ, xây dựng chuyên mục, chuyên trang, bố trí thời lượng phù hợp để truyền thông về quyền con người.

- Cử cán bộ, phóng viên, biên tập viên tham gia các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng truyền thông về quyền con người.

- Lựa chọn các tác phẩm báo chí, xuất bản có chất lượng tham gia các hoạt động thi đua, khen thưởng công tác tuyên truyền về quyền con người do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền chủ trì phát động.

- Lan tỏa các sản phẩm báo chí, xuất bản về quyền con người trên các hạ tầng và nền tảng truyền thông, chú trọng lan tỏa trên không gian mạng. Tăng cường trao đổi các chương trình truyền thông thành tựu quyền con người ở Việt Nam để đăng, phát trên các hạ tầng của các hãng truyền thông uy tín quốc tế./.

 

Phúc Khánh
Tin cùng nhóm
Các tin khác
Xem tin theo ngày  
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.005
Truy cập hiện tại 338